Làm thế nào khi bị Sùi mào gà lúc mang thai ?

1.     Sùi mào gà ( mụn cóc sinh dục): là bệnh lây chủ yếu qua đường tình dục không an toàn, do virus Human Papillomavirus (HPV) nhóm type 6 và 11 gây nên. Phụ nữ mang thai bị sùi mào gà thông qua hình thức lây nhiễm là hoạt động tình dục không có biện pháp bảo vệ bằng âm đạo, miệng hoặc hậu môn.

2.     Biểu hiện nhận biết sùi mào gà khi mang thai:

Sùi mào gà có đặc trưng là sự xuất hiện của các cục thịt dạng mụn cóc mọc đơn lẻ hoặc liên kết thành đám giống như hoa súp lơ. Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu của bệnh rất khó nhận biết vì mụn cóc có kích thước rất nhỏ, phẳng so với bề mặt da. Đến giai đoạn sau, mụn dần phát triển về kích thước, mọc đơn lẻ hoặc thành từng đám, số lượng nhiều và có màu tương đồng hoặc đậm hơn so với màu da.

Phụ nữ bị sùi mào gà khi mang thai thường xuất hiện tổn thương dạng mụn cóc ở: âm đạo, hậu môn, cổ tử cung,... Ngoài ra bệnh lý này cũng có thể gây nên tình trạng bất thường về dịch âm đạo, chảy máu, ngứa, cảm giác châm chích,...

Sự thay đổi lượng hormone trong thai kỳ có thể làm cho mụn cóc thay đổi kích thước nhanh hơn mức bình thường và dịch âm đạo tiết nhiều hơn nên mụn cóc có môi trường ẩm ướt và ấm để phát triển tốt hơn.

3.     Sùi mào gà có nguy hiểm không?

 Đối với thai phụ:

+ Bệnh sùi mào gà phát triển nhanh hơn so với người bình thường vì sự gia tăng của nồng độ hormone estrogen và progesterone khiến cho vết sùi lan rộng và nhiều hơn.

+ Nếu bị nhiễm trùng đường sinh dục, sùi mào gà có thể phát triển nhanh về kích thước khiến thai phụ bị đau và khó chịu khi tiểu tiện.

+ Kích thước nốt mụn cóc do sùi mào gà gây ra quá lớn dễ gây chảy máu khi sinh.

+ Nốt sùi trên thành âm đạo hoặc cổ tử cung dễ khiến cho âm đạo, cổ tử cung khó mở rộng trong quá trình sinh nở.

+ Tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và khiến cho khả năng sinh sản về sau của phụ nữ gặp khó khăn.

Đối với thai nhi:

Trong các trường hợp sinh qua ngả âm đạo, thai nhi có nguy cơ cao bị nhiễm HPV do tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc tổn thương sùi ở âm đạo, cổ tử cung.

4.     Điều trị sùi mào gà cho phụ nữ mang thai như thế nào?

Thông thường, đối với các trường hợp thai phụ bị sùi mào gà, bác sĩ sẽ theo dõi sự tiến triển của mụn cóc để cân nhắc về việc điều trị. Đại đa số trường hợp sẽ trì hoãn điều trị đến sau sinh.

Đối với những trường hợp có nốt mụn cóc với kích thước lớn làm cản trở việc sinh, gây chảy máu nhiều, bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp sau để loại bỏ mụn cóc:

- Nitơ lỏng đóng băng mụn.

- Dùng dao điện phá hủy các mụn cóc.

- Laser đốt cháy mụn.

Thai phụ bị sùi mào gà tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc không kê toa để điều trị bệnh vì nó dễ gây ra tác dụng phụ nguy hiểm cho thai kỳ hoặc kích thích nốt mụn cóc sinh dục hoạt động mạnh hơn.